Các chiến dịch blitzkrieg tiêu biểu Blitzkrieg

Cho đến tận giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Quân đội Đức Quốc xã tiến hành nhiều chiến dịch theo quy tắc của blitzkrieg. Tuy nhiên, hai chiến dịch Tây Âu và Barbarossa là những chiến dịch tiêu biểu nhất.

Chiến dịch châu Âu, 1940

Chiến dịch châu Âu, bao gồm cuộc tấn công Pháp và cuộc tấn công trước đó và Hà Lan và Bỉ, được thực hiện chính bởi cụm tập đoàn quân A (gồm 45 sư đoàn, có 7 sư đoàn thiết giáp và 2 sư đoàn bộ binh cơ giới hoá trong 3 quân đoàn) và B (có 29 sư đoàn, 3 sư đoàn thiết giáp và một sư đoàn bộ binh cơ giới hoá), diễn ra theo 2 giai đoạn: Chiến dịch Vàng (Fall Gelb) và Chiến dịch Đỏ (Fall Rot).

Chiến dịch Vàng mở đầu ngày 9 tháng 5 năm 1940 với cuộc tấn công nghi binh của cụm tập đoàn quân B vào Hà Lan và Bỉ, hút phần lớn quân lực Đồng Minh về phía Bắc nước Pháp. Trong khi đó, cụm tập đoàn quân A bất ngờ tiến quân qua khu rừng rậm Ardennes, nơi mà các tướng lĩnh Pháp cho là không thuận lợi cho hoạt động của xe tăng nên bố trí phòng ngự mỏng. Có sự hỗ trợ hoả lực mạnh mẽ của Không quân, cụm tập đoàn quân A nhanh chóng đột phá phòng tuyến Pháp ở Sedan[34]. Tiếp đó, ngay khi vượt sông Meuse ở ngay ngày thứ tư của chiến dịch, lực lượng thiết giáp của cụm triển khai chạy đua về hướng eo biển Manche ở Abbeville, cắt ngang qua bố trí quân lực của Đồng Minh, và đến ngày thứ 10 của chiến dịch đã đẩy các đơn vị Đồng Minh ở Bắc Pháp vào túi Dunkirk. Chỉ nhờ có lệnh tạm ngưng tấn công của Hitler mà 33 vạn quân Đồng Minh kịp sơ tán bằng tàu[35].

Trong chiến dịch này, mặc dù quân Đồng Minh có gần gấp đôi số xe tăng (4.000 so với 2.200 của Đức[36]), nhưng do biên chế tản mác trong các đơn vị bộ binh, nên không thực hiện được một hoạt động phản công nào có ý nghĩa. Cộng thêm yếu tố bất ngờ, dẫn tới sự tê liệt mang tính hệ thống. Vì thế khi chiến dịch Đỏ triển khai với 3 mũi tấn công bằng thiết giáp: về Brest (quân đoàn XV Panzer), hướng Lyon qua Đông Paris (quân đoàn XIV Panzer), hướng vòng ngược dọc theo lưng chiến tuyến Maginot (quân đoàn XIX Panzer), thì quân đội và nước Pháp nhanh chóng sụp đổ, buộc phải ký văn kiện đầu hàng vào ngày 22/6/1940, chỉ trong vòng 6 tuần từ ngày bắt đầu chiến dịch.

Chiến dịch Barbarossa, 1941

Bài chi tiết: Chiến dịch Barbarossa

Sáng ngày 22/6/1941, Không quân Ðức Quốc xã (Luftwaffe) tấn công các sân bay và các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Liên Xô. Trong vòng vài giờ sau đó, hơn 3 triệu quân Ðức dẫn đầu bởi các sư đoàn thiết giáp ồ ạt vượt biên giới, bắt đầu chiến dịch blitzkrieg lớn nhất trong lịch sử nhắm vào mục tiêu đánh bại Hồng quân và xoá sổ Liên bang Xô viết trong vòng vài tháng[gc 16].

Theo kế hoạch, chiến dịch được tiến hành bởi 3 mũi. Mũi thứ nhất của Cụm tập đoàn quân Bắc gồm 26 sư đoàn, trong đó có 3 sư đoàn thiết giáp và 2 sư đoàn cơ giới hóa, tấn công qua các nước Cộng hòa vùng Baltic vào Bắc Nga, hướng tới Leningrad. Mũi thứ hai của Cụm tập đoàn quân Trung tâm gồm 49 sư đoàn, trong đó có 9 sư đoàn thiết giáp và 6 sư đoàn cơ giới hóa, tấn công Smolensk sau đó qua Belarus tới Moskva. Mũi thứ ba của Cụm tập đoàn quân Nam gồm 41 sư đoàn, trong đó có 5 sư đoàn thiết giáp và 4 sư đoàn bộ binh cơ giới hóa, tấn công vào vùng đông dân trù phú Ukraina, chiếm Kiev sau đó triển khai xuống phía Nam, tới sông Volga và vùng dầu hỏa Caucasus.

Ở giai đoạn đầu của chiến dịch, Hồng quân hoàn toàn bị bất ngờ và không kịp phản ứng. Chỉ trong 3 ngày đầu, gần 4.000 máy bay bị phá hủy ngay trên sân bay[37], các đồn biên phòng nhanh chóng bị tràn ngập. Ở phía Bắc, tập đoàn quân thiết giáp số 4 của Ðức xuyên qua giữa 2 quân đoàn Hồng quân, sau đó bao vây và tiêu diệt 2 quân đoàn này. Ở mặt trận trung tâm, tập đoàn quân thiết giáp số 2 vượt sông Tây Bug ở phía Nam, tập đoàn quân thiết giáp số 2 đột phá qua khe giữa 2 phương diện quân Hồng quân ở sông Neman, vận động thành 2 gọng kềm thọc sâu hợp điểm tại Minsk, khiến 32 sư đoàn Hồng quân bị bao vây trong túi và sau đó bị tiêu diệt.

Ở giai đoạn hai, trên mặt trận trung tâm, tập đoàn quân thiết giáp số 2 của Ðức vượt sông Dniepr vận động bao vây Smolensk từ phía Nam, tập đoàn quân thiết giáp số 3 tiến công Smolensk từ phía Bắc. Sau khi hợp điểm thành công, 2 gọng kềm phong tỏa 3 tập đoàn quân Hồng quân trong túi, bắt sống 18 vạn tù binh. Chiếm xong Smolensk, tập đoàn quân thiết giáp số 2 được lệnh quay về phía Nam[gc 17], phối hợp với cụm tập đoàn quân Nam đánh về phía Bắc thành 2 gọng kềm bao vây Kiep, tiêu diệt và bức hàng 43 sư đoàn Hồng quân với tổng số 60 vạn người cùng với nhiều vũ khí nặng.

Bước vào giai đoạn 3, các tập đoàn quân đoàn thiết giáp Đức lặp lại bài bản tấn công bằng 2 gọng kềm thắng lợi thêm một lần nữa ở Vyazma, bao vây 4 tập đoàn quân Hồng quân trong túi, bắt sống gần 70 vạn người, nâng tổng số Hồng quân bị tiêu diệt hoặc bắt sống lên xấp xỉ 3 triệu. Nhưng đây cũng là dấu chấm hết cho những thắng lợi của blitzkrieg ở Liên Xô khi sau đó Hồng quân phản công thành công ở trận Moskva, biến mặt trận phía Đông thành một cuộc chiến tranh tiêu hao tổng lực.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Blitzkrieg http://www.chetrichards.com/modern_business_strate... http://www.clausewitz.com/FAQs.htm#What http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://app.response.stratfor.com/e/es.aspx?s=1483&... http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/Cannae/cann... http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/fuller2/ful... http://www.history.army.mil/books/wwii/milimprov/c... http://cgsc.leavenworth.army.mil/carl/resources/cs... http://www.charles-de-gaulle.org/pages/l-homme/dos...